Sơ lược nguồn gốc và nhạc pháp Vọng_cổ

Bài "Dạ cổ hoài lang" có 20 câu, 2 nhóm đầu mỗi nhóm 6 câu, 2 nhóm sau mỗi nhóm 4 câu. Mỗi câu trong bài có 2 nhịp, gọi là nhịp đôi.

Ngay từ thời chỉ mới có nhịp đôi, bản "Dạ cổ hoài lang" đã được đặt lời khác. Việc đặt (ngôn ngữ nhạc Việt gọi là "soạn") lời ở các bản cổ nhạc không giống như đặt lời tân nhạc. Một bài tân nhạc khi đặt lời thì theo sát câu nhạc của lời trước, tức là theo đúng hay rất sát nốt nhạc trong mỗi stanza. Đặt lời một bản cổ nhạc giống như làm bài thơ họa: Theo đúng nốt nhạc (ngôn ngữ nhạc Việt gọi là chữ nhạc) ở cuối câu (chỗ dứt nhạc) và theo giọng bình - trắc ở những chữ đó.

Câu 2 nhịp, tuy nhiên, không thỏa mãn được nhu cầu của các nhà soạn nhạc. Bản nhạc (bản vọng cổ luôn gọi là "bản", không gọi là "bài") được tăng lên 4 nhịp, tức nhịp tư, trong khoảng thời gian 1927-1935. Sau đó tăng lên nhịp tám năm 1936-1945, và cũng khoảng thời gian này được mang tên bản "Vọng cổ". Từ nhịp tám lên nhịp 16, 32, 64, 128,... Bản thông dụng nhất hiện nay là bản nhịp 32.

Bản vọng cổ nhịp đôi, nhịp tư chỉ theo sát chữ nhạc ở chỗ dứt câu. Nhưng khi bản nhạc có nhiều nhịp, phải theo đúng chữ nhạc ở một số nhịp nhất định.

Thí dụ, câu 1 của bản nhịp đôi chỉ cần dứt ở chữ cống, theo chuẩn của bản Dạ cổ hoài lang.

Nhưng câu 1 của bản nhịp 32 phải có chữ hò ở nhịp 16, hò ở 20, xê ở 24, xang ở 28, cống ở 32. Ở bản 32 nhịp, tất cả các câu đều có xề (gọi là "xuống" xề) ở nhịp 4. (Trên thực tế, bản 32 nhịp thường câu 1 và 4 ngắn, chỉ có 16 nhịp sau, còn 16 nhịp đầu nói thơ hoặc nói lối hoặc xen tân nhạc.

Khi câu nhạc còn ngắn, bản nhạc chỉ gieo vần ở cuối câu. Lên tới nhịp 32, 64, các soạn giả bắt đầu gieo vần liên kết bên trong mỗi câu.